Milk foam, hay còn gọi là kem mặn, kem cheese, macchiato là một loại topping rất được ưa thích trong menu các quán trà sữa. Milk foam mang đến hương vị đặc biệt ấn tượng cho đồ uống, nhưng thực ra cách làm milk foam cũng không quá phức tạp. Hãy tìm hiểu cách làm kem sữa dưới đây và tự tay pha chế những đồ uống hấp dẫn.
Nội dung bài viết
Milk foam là gì?
Nguyên liệu và dụng cụ làm milk foam
Cách làm các loại milk foam
Cách làm milk foam cơ bản
Cách làm milk foam phô mai
Pha chế cốt trà và thưởng thức đồ uống milk foam
Milk foam là gì?
Milk foam là lớp kem sữa thơm ngậy ở phủ trên đồ uống, thường chiếm khoảng 20 - 30% thể tích ly. Milk foam thường có hai dạng, dạng bông xốp như bọt và dạng hơi lỏng, sền sệt. Trong đó dạng thứ hai phổ biến hơn với các món trà sữa. Có nhiều cách làm milk foam để tạo ra hương vị khác nhau, nhưng nói chung milk foam thường có vị ngọt nhẹ, pha một chút mằn mặn rất cuốn hút. Vị kem béo ngậy, thơm nhẹ rất phù hợp để cân bằng vị trà hơi chát.
Các món có milk foam được yêu thích nhất có thể kể đến hồng trà kem mặn, trà xoài kem cheese, matcha kem mặn, ô long kem phô mai...
Nguyên liệu và dụng cụ làm milk foam
Tùy vào loại milk foam, công thức sẽ sử dụng các nguyên liệu với tỉ lệ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên liệu phổ biến thường được dùng trong pha chế.
Kem tươi (whipping cream): kem whipping là loại kem chưa đánh, dễ dàng phối hợp với các nguyên liệu khác để tạo kết cấu đặc và hương vị thơm ngậy.
Kem topping: kem topping là loại kem thực vật ít béo, bao gồm các chất chuyển thể từ sữa và chất tạo độ đặc.
Sữa tươi không đường: gia tăng hương vị, cân bằng kết cấu milk foam.
Bột milk foam: đây là nguyên liệu pha chế nhanh, có sẵn các chất tạo hương vị phù hợp, có thể thay thế cho kem tươi, kem topping và chỉ cần thêm sữa để đánh bông.
Kem phô mai (cream cheese): nguyên liệu này sẽ tạo thêm độ ngậy và vị mặn cho milk foam.
Muối: tạo vị mặn nhẹ, cân bằng độ ngọt và mang đến cho đồ uống hương vị đặc biệt.
Đường: nguyên liệu bổ sung nếu bạn cần tăng độ ngọt cho milk foam.
Dụng cụ:
Bản chất của milk foam là đưa bọt khí vào trong các loại kem sữa, vì thế bạn nên dùng các dụng cụ đánh bông như phới lò xo, máy tạo bọt cầm tay, máy đánh trứng, máy xay sinh tố (thường dùng cho quán pha chế số lượng lớn). Nếu không có các dụng cụ trên, bạn có thể tận dụng một chiếc lọ thủy tinh có nắp để lắc.
Cách làm các loại milk foam
Cách làm milk foam cơ bản
Nguyên liệu:
50ml kem tươi (whipping cream)
50ml kem topping
50ml sữa tươi không đường
⅓ thìa nhỏ muối
Lưu ý: để milk foam nhanh bông, các nguyên liệu kem sữa luôn phải giữ lạnh. Đây là một bước rất quan trọng quyết định kết cấu của milk foam nên các bạn đừng bỏ qua.
Cách làm milk foam bằng các dụng cụ khác nhau:
Dùng phới đánh trứng: cho nguyên liệu vào một chiếc âu, dùng phới đánh trứng nhấn theo chiều dọc để đưa bọt khí vào milk foam.
Dùng máy tạo bọt cầm tay: đánh theo một chiều khoảng 3 phút, đến khi hỗn hợp kem tăng gấp 3.
Dùng máy đánh trứng: để ở tốc độ nhỏ, chỉ cần lắp 1 que, đánh theo 1 chiều đến khi kem bông lên những vẫn còn hơi sệt.
Dùng máy xay sinh tố: cách này áp dụng khi pha số lượng lớn, chỉ cần cho nguyên liệu vào vào xay ở chế độ chậm khoảng 10s hoặc chế độ nhẹ.
Dùng lọ thủy tinh: nếu không có các công cụ và chỉ pha ít, bạn có thể cho nguyên liệu vào lọ thủy tinh, đóng nắp và lắc theo chiều lên xuống đến khi hỗn hợp kem tăng gấp 3.
Sau khi đánh xong để hỗn hợp vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 10 phút để milk foam đặc hơn một chút, khi cho vào đồ uống không bị tan xuống ngay.
Cách làm milk foam từ bột có sẵn
Nguyên liệu: 100g bột milk foam và 160ml sữa tươi không đường lạnh
Dùng máy xay sinh tố xay đều hỗn hợp, hoặc dùng máy đánh trứng đánh trong 3 phút là hoàn thành.
Cách làm milk foam phô mai
Nguyên liệu:
50ml kem tươi (whipping cream)
50ml kem cheese hoặc 1 viên phô mai Con Bò Cười
50ml sữa tươi không đường
½ thìa đường
⅓ thìa nhỏ muối
Cách làm:
Tán nhuyễn kem cheese hoặc phô mai, vừa đổ từ từ sữa tươi vào vừa tán đến khi được hỗn hợp nhuyễn mịn. Lọc qua rây để hết lợn cợn.
Cho các nguyên liệu còn lại và phần cheese vào đánh đều như cách làm milk foam cơ bản ở trên.
Pha chế cốt trà và thưởng thức đồ uống milk foam
Bởi milk foam đã có độ ngọt và độ ngậy béo nhất định nên cốt trà phía dưới chỉ cần pha chế đơn giản cũng đủ làm nên sức hấp dẫn. Hãy ủ 5g trà đen, trà xanh, trà ô long hoặc bất cứ loại trà nào bạn thích với 150ml nước nóng. Hòa tan 10g đường vào trà (tùy chọn). Sau đó cho một chút đá viên vào bình lắc, thêm trà và lắc khoảng 10s. Đổ trà đến khoảng 70-80% ly, thêm milk foam đầy ly.
Cốt trà phía dưới cũng có thể là trà sữa, trà trái cây tùy theo sở thích của bạn. Xem thêm cách làm trà sữa để kết hợp với milk foam.
Như vậy Trà Chính Sơn đã hướng dẫn bạn cách làm milk foam, hãy nhớ rằng milk foam nên bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong 1-2 ngày. Chúc các bạn thành công với các công thức trên.