Nhiều người Nga uống trà Việt, nhưng họ không biết đấy là trà Việt. Thực tế đang diễn ra cho thấy trà Việt vẫn thua kém trên thị trường quốc tế, ngay cả khi có nhiều tiềm năng.
Đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này, trước hết hãy tìm hiểu qua những điểm mạnh và điểm yếu của trà Việt trên thị trường Nga:
Về dung lượng thị trường:
Liên bang Nga là một trong 10 nước tiêu dùng chè nhiều nhất thế giới và xếp ở vị trí thứ 3 về tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Tiêu thụ chè bình quân ở Nga hiện nay vào khoảng 1,1 kg/người/năm. Hiện nay, dung lượng tiêu thụ mặt hàng chè của thị trường Nga ước tính khoảng 170.000 -180.000 tấn/năm, trong khi, ngành sản xuất chè của Nga gần như không phát triển do thiếu nguồn nguyên liệu.
Về đối thủ cạnh tranh:
Thị trường Nga ưa chuộng và nhập khẩu chè từ các nước chủ yếu từ Ấn Độ, Srilanca, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia. Với lợi thế từ Hiệp định Việt Nam - EAEU, chè Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này và có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính là Indonexia, Ấn Độ, Srilanca, do các nước này chưa có đàm phán với Liên minh Hải quan.
Khả năng cung ứng sản phẩm của Việt Nam:
Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu chè. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu chè đạt 217 triệu USD. Từ năm 1954 cho đến năm 2000, thị trường Nga nói riêng và Liên Xô cũ nói chung là thị trường tiêu thụ chè chủ yếu của Việt Nam, cả về chè xanh đóng túi nhỏ và chè đen.
Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, do Nga bảo hộ ngành đóng gói trong nước nên chè đóng túi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã giảm sút đáng kể, tỷ trọng xuất khẩu chè vào Liên bang Nga trong tổng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm dần từ năm 2009 đến nay, (từ 15,2% năm 2009 xuống còn 11,1% trong 8 tháng đầu năm 2016). Với lợi thế giảm thuế từ Hiệp định, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chè sang Liên bang Nga thời gian tới sẽ không theo chiều hướng giảm như trong giai đoạn 2013 - 2015.
(Theo Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Nga – Doãn Thị Mai Hương – Đại học Lao Động – Xã Hội)
Trà Việt đã có được chỗ đứng trên thị trường Nga nhưng chưa thực sự vững chắc. Kim ngạch xuất khẩu đi thị trường Nga được dự báo sẽ tăng về số lượng trong thời gian tới nhưng thực sự vẫn chưa có đột phá. Trong hơn 20 năm qua, trà Việt đều xuất đi Nga dưới dạng nguyên liệu thô, sau đó được đóng gói lại, pha trộn, hoặc chế biến để tiêu thụ ở thị trường nước sở tại hay xuất khẩu sang nước thứ ba. Giá trà Việt được định giá thấp so với giá trà của đối thủ cạnh tranh và có xu hướng giảm.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: “Giá trị của chè Việt Nam, với tư cách là “tư liệu sản xuất”, chỉ chiếm khoảng 5 – 20% giá trị sản phẩm chè cuối cùng. Sau khi chế biến lại, chè Việt Nam sẽ mang tên của các nhà nhập khẩu nên người tiêu dùng tại các nước hầu như không biết đến chè Việt Nam”.
Người tiêu dùng quốc tế đang uống trà Việt những lại dưới tên những thương hiệu không phải của người Việt, đó là vấn đề lớn nhất của trà Việt xuất khẩu hiện nay. Không còn cách nào khác, chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu trà Việt trên thị trường quốc tế. Nếu doanh nghiệp Việt tự chế biến, đóng gói, sản xuất trà và xuất khẩu dưới tên thương hiệu của mình thì giá trị trà có thể tăng gấp vài lần.
Nhận thức được điều đó, Chính Sơn đã và đang đưa thương hiệu trà Việt chất lượng cao đến thị trường Nga. Trà Việt của chúng tôi xuất hiện tại các hội chợ quốc tế tố chức tại Moscow và nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng tại thị trường này. Chúng tôi cũng phân phối sản phẩm trà Việt đến các trung tâm thương mại lớn tại thủ đô Moscow là Incentra và FoodCity. Bước đầu tương đối khả quan khi người tiêu dùng Nga rất ưa chuộng sản phẩm trà xanh đặc sản và trà Shan Tuyết độc đáo đến từ Việt Nam.
Với mong muốn đưa trà Việt đi khắp thế giới, Chính Sơn đang nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm để xây dựng một thương hiệu trà Việt có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng nước ngoài.