Hotline: 0949.801.881 (8h - 12h, 13h30 - 17h)
Thông báo của tôi

Trà đạo Nhật Bản - Khám phá nét văn hoá độc đáo của người Nhật

Trà đạo Nhật Bản - Khám phá nét văn hoá độc đáo của người Nhật

Ngày nay nghi lễ thưởng trà vẫn được nhiều người tại Nhật Bản và nước ngoài thực hiện. Trà đạo Nhật Bản tồn tại như một nét đẹp truyền thống ngày càng phát triển chứ không chỉ là một di sản văn hóa cũ kĩ. Cốt lõi của nghi lễ trà đạo là phản ánh nhân sinh, điều đó vẫn đúng ngay cả trong thế giới hiện đại ngày nay.

3 điều cốt yếu của trà đạo Nhật Bản

Có 3 điều cốt yếu của trà đạo. Đầu tiên là ở thái độ khiêm nhường của người khách thưởng thức trà. Điều thứ hai là cảm nhận sâu sắc sự độc đáo của khoảnh khắc thưởng thức về thời gian, địa điểm, tiết trời. Cuối cùng là nghệ thuật của sự giản dị và cân bằng trong tư thế, chuyển động, dụng cụ.

3 điều cốt yếu này còn vượt ra khỏi phòng trà, đi sâu vào nhiều khía cạnh đời sống của người Nhật Bản. Có thể kể đến kiến trúc nhà cửa và tòa tháp đơn giản của Nhật Bản, hay sự cân bằng và hòa quyện trong hình khối, kết cấu của vườn kiểu Nhật, của nghệ thuật cắm hoa Ikebana.

Trong nghi lễ trà, lòng khiêm nhường và tôn kính là cần thiết giữa chủ và khách. Cánh cửa dẫn vào phòng thưởng trà rất thấp, khiến mọi người đều phải cúi mình. Khi bước vào phòng trà, đầu tiên ta sẽ thấy một bình hoa và một cuộn thư họa. Người khách phải cúi mình một lần nữa khi ngắm nhìn vẻ đẹp của những tác phẩm vô cùng đơn giản mà vẫn chứa đựng giá trị nghệ thuật lớn lao.

Tính độc nhất của một buổi nghi lễ trà là điều rất được chú trọng. Buổi lễ rất đặc biệt, bởi một người có thể tham gia rất nhiều buổi lễ trong suốt cuộc đời mình nhưng họ sẽ không bao giờ có cơ hội tạo ra trải nghiệm như vậy lần thứ hai. Không bao giờ họ được ở với cùng một nhóm người, cùng một khung cảnh, cùng một thời điểm nữa. Mọi thứ đều đáng được trân trọng bởi sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai.

Trà đạo đặc biệt chú trọng vào mùa, bởi mùa sẽ quyết định loại thức ăn chuẩn bị cho nghi lễ, loại gốm sứ làm nên chawan (chén uống trà), cách bày hoa và thư họa, cũng như trang phục của trà sư và các vị khách.

Cụ thể, vào một ngày nóng nực tháng 7, trà sư sẽ chọn một chén uống trà to, nông để trà nguội nhanh hơn, và đồ ngọt ăn nhẹ sẽ được làm thành hình những quả đào. Vào tháng 11, chawan được chọn là loại nặng hơn, thức ăn phong phú theo phong cách kaiseki (ẩm thực theo mùa). Màu sắc của vật dụng trong phòng sẽ trầm hơn để làm nổi bật những cành dâu đỏ mỏng manh.

Mọi phương diện của nghi lễ trà đều hướng tới sự đơn giản và hài hòa. Trong phòng trà không thứ gì là thừa thãi hay lòe loẹt đế tránh ảnh hưởng tới việc thưởng thức trà. Hoa bày trong phòng trà và trang phục của người thưởng trà cũng hết sức giản dị. Đến chawan cũng mang hình dáng đơn giản, thanh tao nhất. Mọi cử chỉ trong buổi lễ, dù là của chủ hay của khách đều tối giản nhất có thể. Loại trà được dùng là matcha – lá trà nguyên chất xay mịn và hòa quyện với nước nóng để tạo nên nước trà tinh khiết nhất.

Dụng cụ pha trà của người Nhật Bản

Nghi lễ thưởng thức trà có thể mất hàng giờ để hoàn thành, và mất cả đời người để học, vì vậy để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, tốt nhất nên học hỏi cách chuẩn bị matcha và dụng cụ pha trà.

Dụng cụ cần thiết để pha trà là chawan (chén uống trà), chasen (chổi đánh trà), chashaku (thìa lấy trà), furui (dụng cụ lọc trà), hishaku (gáo múc nước), kama (ấm nước), bếp đun.

Các bước pha trà 

  1. Đầu tiên matcha được lọc qua furui để tạo độ đồng đều hoàn hảo, công đoạn nay thường được chuẩn bị trước nghi lễ.
  2. Tiếp theo là đun nước cho đến khi nước sôi nhẹ. Dùng gáo múc nước trong ấm để làm nóng chén trà, nước này dùng xong thì đổ bỏ.
  3. Sau đó định lượng 2-3 thìa matcha bằng chasaku vào chén.
  4. Rót khoảng 4oz (khoảng 118ml) nước nóng từ ấm vào chén trà. Sử dụng chổi pha trà khuấy đến khi matcha sánh và nổi bọt. Trà có thể uống trực tiếp từ chén.

Nguồn: (Lược dịch từ itoen)

Đang xem: Trà đạo Nhật Bản - Khám phá nét văn hoá độc đáo của người Nhật