Việt Nam là một trong những quốc gia trồng và sản xuất trà nhiều nhất thế giới. Văn hóa trà Việt mang những nét đặc trưng và tinh tế riêng biệt, thể hiện qua những dòng trà được ưa chuộng nhất.
Trà xanh
Trà xanh là loại trà đặc trưng của Việt Nam.Cây trà thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nước ta,nhất là ở những vùng đồi núi phía Bắc. Một vài cây trà ngay trong vườn cũng không có gì xa lạ với những gia đình nông thôn. Thưởng thức trà tươi là cách uống trà cổ nhất của người Việt.
Lá trà sau khi hái, rửa sạch, nấu hoặc hãm với nước nóng là uống được luôn. Trà xanh thường được pha trong ấm tích, ủ trong giỏ để giữ nóng. Sau bữa cơm, cả gia đình lại quây quần thưởng thức một chén trà ấm, ăn chiếc kẹo lạc tráng miệng. Trà xanh cũng là thức uống giản dị, gắn bó với đời sống người lao động. Một chén trà chát nhẹ xua tan đi bao nóng bức, mệt mỏi thường ngày và khiến con người gần gũi với nhau hơn.
Bên cạnh cách thưởng thức truyền thống, trà đá lại là một biến tấu thú vị trong cuộc sống hiện đại. Chỉ đơn giản là trà xanh thêm đá, rẻ tiền, dễ mua. Trà đá còn rất hợp với khí hậu nóng ẩm quanh năm của nước ta.Trà đá mọc lên khắp ngõ ngách, vỉa hè, trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam.
Trà mạn
Trà mạn có nguồn gốc từ trà xanh, nhưng lá và búp trà phải trải qua quá trình sao khô. Những vùng trồng trà nổi tiếng nhất Việt Nam là Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng. Tại những vùng cao nguyên này, búp và lá trà được thu hái có chọn lọc. Sau đó được sao khô với bí quyết riêng của từng vùng.
Theo kinh nghiệm truyền thống mà các cụ cao niên xứ trà truyền lại, trà ngon hay không được đánh giá theo bốn tiêu chuẩn gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần. Trà ngon là loại trà có màu nước xanh ánh vàng mật ong (Thanh). Cánh cong như móc câu, đều đặn, nhìn thẳng màu đen, nhìn nghiêng thì xanh (Sắc). Lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu (Vị). Hương thơm quyến rũ, chỉ có ở trà, không thể lẫn vào thức uống nào khác. Trà đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà (Thần).
Một bộ ấm chén pha trà mạn thường gồm một ấm trà và vài chén nhỏ làm bằng sứ. Trà mạn được thưởng thức trong gia đình một cách giản dị. Khi có khách đến nhà, trà mạn cũng là thức uống để tiếp đãi. Đối với những nghệ nhân trà, cách thưởng thức cũng có phần cầu kỳ hơn.
Trà ướp hương
Trà ướp hương hay còn gọi là trà hương, là trà khô được ướp với các loại hoa. Người Việt Nam thường mùa nào thức ấy. Mỗi thời điểm trong năm lại thưởng thức những món quà bánh tinh tế đặc trưng. Trà cũng vậy, mỗi mùa hoa đi qua để lại hương thơm trong chén trà.
Nhắc đến trà ướp hương Việt Nam, người ta thường nhắc ngay đến trà sen như một thức uống độc nhất vô nhị. Bên cạnh đó còn là hương vị mộc mạc của trà nhài, trà bưởi, rồi trà hoa mộc, hoa ngâu... Dù là loại trà ướp hương gì thì công đoạn chế biến cũng rất công phu. Người nghệ nhân luôn muốn đem hết hương vị đất trời vào chén trà.
Chén trà sen Hà Thành thường được trân trọng dâng lên bàn thờ vào mỗi dịp lễ. Đó là tấm lòng trân trọng của người Việt gửi gắm vào trà ướp hương. Khi khách quý đến nhà, một ấm trà thơm ngát hương hoa được bày lên để mở đầu câu chuyện xã giao. Trà ướp hương mang nét thanh tao, lịch sự đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa trà Việt Nam.